Sầu riêng là vua của các loại trái cây khi so về hương vị cũng như giá trị mang lại. Sầu riêng không phải là loại cây dễ chăm sóc cho người mới trồng do sự mẫn cảm cao với môi trường cũng như dễ bị tổn thương, cây sầu riêng bị khá nhiều các loại nấm tấn công. Dưới đây, Good Farmer giới thiệu cho bà con 6 loại bệnh thường gặp trên cây sầu riêng và cách phòng trị chúng!
1. Bệnh thối gốc chảy nhựa (do nấm Phytophthora Palmivora):
► Triệu chứng:
Đây là bệnh hại rất quan trọng trên sầu riêng. Tác nhân do nấm Phytophthora Palmivora gây hại, nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước, trong các bộ phận bị bệnh của cây sầu riêng. Nấm tấn công phần rễ non gần mặt đất và lan dần đến phần vỏ của gốc sát mặt đất và di chuyển lên phần vỏ của thân cây làm vỏ cây biến thành màu nâu, sau đó vỏ cây bị thối và chảy nhựa ra, phần gỗ tại vết bệnh cũng hóa nâu. Đôi khi nấm còn tấn công các cành phía trên cao của cây sầu riêng.
Bệnh thường xảy ra trong mùa mưa và dễ dàng gây hại trong các vườn trồng dày có tán lá rậm rạp, chăm sóc kém.
Nấm bệnh còn tấn công trên trái làm thối trái hàng loạt và trên lá sầu riêng nhất là trên các lá non ở các cành gần mặt đất. Trong mùa mưa nếu không kiểm soát và quản lý vườn cẩn thận thì nấm sẽ tấn công trên lá và trái, đây là nguồn lây lan rất quan trọng của bệnh tại vườn sầu riêng.
► Phòng bệnh:
Nên kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp như:
Thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm.
Không nên trồng quá dày và trồng xen với các loại cây cùng ký chủ của nấm.
Phải thay cây cũ triệt để và xử lý đất trước khi trồng mới.
Thu gom và tiêu huỷ những bộ phận của cây bị bệnh.
Luân canh đất trước đây đã trồng cây cùng ký chủ.
Tiêu huỷ sớm những cây già yếu, không hiệu quả.
Chú ý bón phân hữu cơ và NPK cân đối.
Đất phải thoát nước tốt, cách mực nước ngầm hơn 1m.
2. Bệnh thán thư (Do nấm Collectotrichum Zibethinum):
► Triệu chứng:
Bệnh này khá phổ biến trên cây sầu riêng, vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá hay từ chóp lá lan dần vào trong phần phiến lá có màu nâu đậm. Vết bệnh điển hình là để lại các đường viền hình tròn có màu nâu đậm dọc hai gân chính. Thường bệnh xuất hiện trên cây kém phát triển, nhất là trong mùa nắng hay sau khi thu hoạch. Bệnh thán thư thường chỉ xuất hiện trên lá già.
► Phòng trị:
Cắt bỏ đem tiêu hủy lá bệnh
Bón phân, tưới nước đầy đủ.
3. Bệnh đốm rong (do nấm cephaleuros virescens):
► Triệu chứng:
Bệnh đốm rong rất phổ biến và tấn công trên nhiều loại cây ăn quả khác nhau, thường bệnh tấn công trên lá và các cành cây ở các vườn sầu riêng chăm sóc kém. Vết bệnh có hình tròn màu gạch tôm đường kính từ 0,2-1cm và hơi nhô lên, nếu nhìn kỹ thấy nhiều sợi tơ trên vết bệnh thường xuất hiện ở mặt trên của lá, rong hút dinh dưỡng và làm lá kém phát triển, giảm quang hợp. Bệnh còn tấn công trên cành cây vết bệnh cũng tương tự như trên lá, làm cành non bị nứt ra, vị trí nứt này cũng dễ nhiễm các loại nấm khác, đặc biệt là nấm Phytophthora palmivora trong mùa mưa.
► Phòng trị:
Tạo vườn cây thông thoáng
4. Bệnh cháy lá chết ngọn (do nấm Rhizoctonia sp):
► Triệu chứng:
Đây là nấm gây bệnh khá quan trọng cho cây sầu riêng ở cả giai đoạn vườn ươm và cây trưởng thành. Vết bệnh xuất hiện ban đầu là những đốm màu nâu sũng nước, sau đó lan rộng dọc theo hai mép lá làm cho lá không phát triển được và co dúm lại cuối cùng lá khô và rụng, cành non cũng khô dần và chết cả cây. Trên cây trưởng thành bị nhiễm làm lá non bị khô và rụng; chết ngọn, cành và nhánh nhỏ, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất. Thường bệnh xuất hiện và phát triển mạnh trong mùa mưa.
► Phòng trị:
Thoát nước vườn ươm tốt, không quá rậm rạp.
Không đặt cây con dưới tán cây lớn.
Thu dọn, tiêu hủy (các phần cây bị bệnh, tránh lây lan).
Tỉa cành tạo tán thông thoáng.
5. Bệnh nấm hồng (do nấm corticium salmonicolor):
► Triệu chứng
Nấm bệnh thường tấn công trên các cành cây. Nấm thường tạo một lớp tơ, nấm lúc đầu có màu vàng trắng đục sau đó chuyển sang màu hồng nhạt phát triển xung quanh vỏ cành cây, nấm hút dinh dưỡng làm vỏ cành chỗ bị hại khô và rụng lá cả cành, cuối cùng làm cành chết khô.
► Phòng trị:
Tỉa cành thông thoáng, cắt bỏ tiêu hủy nhánh bị bệnh nặng
6. Bệnh thối hoa (do nấm Fusarium sp):
► Triệu chứng:
Hoa bị bệnh tấn công có màu nâu đen vết bệnh hơi lõm xuống. Nấm tấn công trên 2 mảnh vỏ bao quanh hoa sầu riêng, sau đó lan dần vào trong phần cánh hoa và làm hoa thối và rụng đi.
► Phòng trị:
Tỉa cành, tạo tán cho cây và vườn cây thông thoáng, nên tỉa bớt và để các hoa trên cành thưa và rời nhau, làm vệ sinh và tiêu hủy các hoa nhiễm bệnh rơi rụng dưới tán cây.
7. Bệnh héo ngọn, chết cây sầu riêng:
► Triệu chứng:
Các cây sâu riêng bị bệnh, có ngọn bị chết héo khô và lá bị héo khô từ trên xuống, lá của cành bệnh bị héo và rụng, cành bị khô héo dần về phía thân chính và cuối cùng các cành đều bị chết khô dẫn đến cây bị chết trong thời gian ngắn.
Trên cành nhỏ: Phần vỏ bị bệnh có màu nâu đen và nhớt, bên trong vết bệnh phần gỗ cũng bị thâm đen. Phân biệt rõ giữa mô bệnh và khỏe, phần mạch gỗ bị bệnh có màu nâu nhạt.
Trên cành lớn: Phần mạch dẫn và gỗ bị bệnh có màu nâu đen và nhớt, phân biệt rõ giữa mô bệnh và khỏe. Phần mạch gỗ bị bệnh có màu nâu đen.
Trên thân chính: Vết bệnh xuất hiện trên thân cây sầu riêng có màu thâm đen, xuất hiện ở cả mạch dẫn và gỗ của thân.
► Phòng trị:
Sử dụng cây giống sạch bệnh, khoẻ mạnh, chống chịu bệnh.
Không nên trồng xen hồ tiêu, dứa… trên và xung quanh và trong vườn sầu riêng.
Bón phân thích hợp, cân đối, chú ý bổ sung phân hữu cơ, tăng cường bón vôi cải thiện pH đất.
Thoát nước tốt cho vườn cây.
Tỉa cành tạo tán thích hợp để vườn cây thông thoáng.
Phủ gốc trong mùa khô giảm nóng và bốc thoát nước.
Tránh gây vết thương cho cây trong quá trình chăm sóc.
Thu gom và tiêu hủy các tàn dư cây bị bệnh trên vườn.
Thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh và phát triển bệnh trên vườn.
Hạn chế tưới nước, bón phân hóa học, phân bón lá và các chất kích thích ra hoa, đâu quả đối với những cây đã bị nhiễm bệnh.