Phân bón là gì? Tầm quan trọng của phân bón đối với sự phát triển của cây trồng

popup
Phân bón là gì? Tầm quan trọng của phân bón đối với sự phát triển của cây trồng

Khái niệm phân bón:

    Phân bón là những chất, hợp chất có chứa một hoặc nhiều nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng, nhằm thúc đẩy sự phát triển, sinh trưởng của cây trồng, cung cấp dinh dưỡng cho đất, có thể làm thay đổi chất đất phù hợp với nhu cầu của loại cây trồng.

Hay hiểu một cách đơn giản phân bón là những chất được sử dụng bón vào đất nhằm cung cấp dinh dưỡng cho đất, cây trồng giúp cây trồng phát triển cân đối, khỏe mạnh, cho năng suất.

Căn cứ vào nguồn gốc tạo thành, phân bón được chia làm 2 loại chính: phân bón hữu cơ, phân bón vô cơ.

- Phân bón hữu cơ: là loại phân bón có nguồn gốc từ các chất hữu cơ, vi sinh vật, động vật, thực vật …Trong phân bón hữu cơ lại bao gồm các loại  phân bón khác nhau: phân hữu cơ truyền thống, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học.

-  Phân bón vô cơ: là loại phân bón có nguồn gốc từ các chất khoáng, vô cơ tự nhiên hoặc sản phẩm hóa học. Trong phân bón vô cơ có các nhiều loại phân khác nhau: phân đơn, phân phức hợp, phân hỗn hợp.

Ngoài ra có thể phân loại phân bón theo nhiều loại khác nhau: theo cách bón (phân bón rễ và phân bón lá), theo nguồn gốc và cách chế biến ( phân công nghiệp, phân, phân vi sinh, phân tự nhiên…), theo trạng thái vật lý ( phân bón dạng lỏng, dạng rắn), dựa theo thành phần phân bón ( phân đơn, phân hỗ hợp), theo nguyên tố dinh dưỡng ( phân đa lượng, phân trung lượng, phân vi lượng).

I.Ảnh hưởng của phân bón tới sự phát triển cây trồng

Có nhiều  yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng phát triển, năng suất, chất lượng cây trồng: khí hậu, đất, giống, nước, sâu bệnh, môi trường, phân bón…  trong số đó phân bón đóng vai trò hết sức quan trọng.

Từ ngàn xưa ông cha ta đã đúc kết “ Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” hay “ Người đẹp vì lụa lúa tốt vì phân” để thấy được vai trò quan trọng của phân bón trong canh tác nông nghiệp và sự phát triển cân đối, ổn định của cây trồng.

Phân bón cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. trong tất cả các loại phân bón vô cơ, hữu cơ đều  cố đầy đủ N,P,K các nguyên tố trung lượng ( ca, Mg, S), các nguyên tố vi lượng ( Fe, Cu, Mh, B, Mo…) cần thiết cho  nhu cầu sinh trưởng của cây.

phân bón có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển của cây trồng
Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đất quá trình sinh trưởng của cây trồng

Phân bón là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng thông qua bộ rễ của cây, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định năng suất của cây.

Nếu bón phân cân đối, hợp lý thì sẽ giúp năng suất của cây tăng cao, phát triển vượt trội không có hiện tượng mất mùa, hạn chế sâu bệnh hại, nâng cao chất lượng nông sản. Nhưng nếu bón phân không hợp lý thì cây sẽ phát triển không cân đối, cho năng suất thấp, chất lượng nông sản kém, sâu bệnh hại nhiều.

II.Vai trò của các chất đa, trung, vi lượng trong phân bón đối với cây trồng
Đối với chất đa lượng (N,P,K)

Chẳng hạn như đạm (N) là chất không thể thiếu trong quá trình phát triển của cây trồng, đạm làm tăng hàm lượng protein trong cây, ngoài ra là thành phần chủ yếu của các chất hữu cơ: axit nucleic, diệp lục tố.. Cây trồng cần đạm trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, mỗi loại cây đều cần một lượng đạm khác nhau.

Tùy giai đoạn sinh trường, phát triển mà nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau. Đối với mỗi loại cây trồng thì yêu cầu lượng đạm khác nhau. Chẳng hạn ở giai đoạn đầu sinh trưởng cây cần đạm để phát triển rễ, thân lá.

Ở giai đoạn sau cây cần đạm để tạo nên các chất tích lũy trong quả, hạt. Ở trong giai đoạn cây kiến thiết hoặc kinh doanh, cây lâu năm sau mỗi vụ thu hoạch cần phục hồi thân, lá nên nhu cầu về đạm là rất cao.

Lân (P) giữ vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi năng lượng và tổng hợp chất protein, axit nucleic, nhiễm sắc thể….Lân (P) cần cho sự phân chia tế bào, phát triển của mô phân sinh, kích thích rễ, quả phát triển, sự hình thành mầm hoa, quyết định chất lượng hạt giống… Lân (P) giúp tăng khả năng chống chịu các điều kiện: rét, hạn hán, sâu bệnh.

Ở trong thời kỳ cây con cây rất mẫn cảm với lân, nếu thiếu lân ở giai đoạn này sẽ khiến cây phát triển không cân đối về sau, cho dù sau này có bổ sung lân cho cây cũng không thể khắc phục được, chính vì thế cần cung cấp lân cho cây ngay ở giai đoạn đầu bằng bón lót và bón thúc để đảm bảo sự phát triển cân bằng của cây trồng.

Kaili (K)  là nguyên tố đa lượng được cây sử dụng nhiều nhầt. Kali tham gia tích cực vào quy trình quang hợp, tổng hợp các chất hydrat cacbon và gluxit của cây, vận chuyển và tích lũy sản phẩm quang hợp từ lá về các cơ quan dự trữ. Kali có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp đạm, tăng cường khả năng chống chịu của cây với các kiều kiện bất lợi: hạn hán, úng nước, nóng, lạnh, tăng sức đề kháng của cây trước sâu bệnh hại.

 Đối với các chất trung lượng ( S, Ca, Mg)

  • Lưu  huỳnh (S) là nguyên tố dinh dưỡng thứ 4 cần thiết cho sự phát triển của cây sau N, P, K. Cây trồng cần một lượng lưu huỳnh gần bằng lượng lân (P) để có thể phát triển cân đối.

Lưu huỳnh đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp Protein và một số axít amin quan trọng, giữ vai trò quan trọng trong việc tạo các chất sinh dầu, tạo mùi cho nông sản. Tăng khả năng chịu rét, chống hạn cho cây, thúc đẩy quá trình chín của quả và hạt. Ngoài ra lưu huỳnh có nhiều trong thành phần của coenzym A (là chất xúc tác quan trọng trong quá trình quang hợp,hô hấp của cây, tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật cố định đạm…

  • Canxi (Ca) cần cho sự phát triển của hệ rễ cây, tăng cường tạo thành các rễ bên và hệ thống lông hút của rễ. Thúc đẩy quá trình trao đổi chất, vận chuyển gluxit trong cây. Làm giảm độ thấm của màng tế bào hạn chế sự hút nước của cây, tạo khả năng chịu úng tạm thời cho cây.

  • Magiê (Mg) có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và tổng hợp gluxit, protein, lipit trong cây. Mg đặc biệt quan trọng đối với các cây lấy đường, bột, các cây họ đậu, cây lấy tinh dầu, cây lấy chất kích thích, cây lấy nhựa…

Mg góp phần điều hòa pH thích hợp với từng bộ phận trong tế bào và sinh lý của cây. Mg tham gia trong thành phần hoặc kích thích hoạt động của các loại men, thiếu Mg sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình tổng hợ ATP và quá trình phốtphỏin hóa trong cây.

Mg cùng với K tăng sức trương của tế bào, cân bằng nước trong cây tăng khả năng chịu hạn trong cây.

Đối với các chất vi lượng ( Zn, Fe, Cu, Mn, B, Mo, Cl)
     Các nguyên tố vi lượng chiếm một lượng rất nhỏ, tuy vậy vi lượng có vai trò không thể thay thế trong đời sống của cây.

  • Kẽm (Zn) có vai trò quan trong trong quá trình hô hấp, dinh dưỡng khoáng, quang hợp, tổng hợp các chất hữu cơ, sinh trưởng, vận chuyển, khả năng chống chịu, sự hình thành hạt của cây trồng.

  • Sắt (Fe) ảnh hưởng tới quá trình khử nitrat, quang hợp, tổng hợp, hoạt hóa diệp lục, tổng hợp các chất hữu cơ.

  • Đồng (Cu)  đóng vai trò quan trọng trong việc  tổng hợp clorophin, chuyển hóa gluxit cho quá trình quang hợp của cây, khử nitrat, tổng hợp các chất: đường, chất béo, chất có đạm, vitamin A, C.

  • Mangan (Mn) tham gia quá trình khử CO2 thành diệp lục cho quá trình quang hợp của cây, trao đổi đồng hóa đạm, tổng hợp các chất: gluxit, axit nucleic, chất điều hòa sinh trưởng, vận chuyển gluxit, tăng khả năng chịu hạn, sinh trưởng: nảy mầm tạo thân, ra hoa, ra quả..

  • Bo (B) ảnh hưởng tới quá trình điều hòa sinh lý của cây: quang hợp, hình thành chất hữu cơ, vận chuyển chất trong cây, tạo thành phấn hoa và khả năng đậu quả.

  • Molipden (Mo)  xúc tiến quá trình cố định đạm ở vi khuẩn nốt sần, sự chuyển hóa đạm trong cây, là  thành phần cấu trúc của nhiều loại men xúc tác quá trình quang hợp, hô hấp, chuyển hóa gluxit, tăng khả năng chống chịu của cây.

  • Clo (Cl) kích thích một số loại men ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa hydrat cacbon và tăng khả năng giữu nước của tế bào…

Khi thiếu các nguyên tố vi lượng cây sẽ phát triển không cân đối, thậm chí biểu hiện một số bệnh lý, làm giảm năng suất, phẩm chất của cây. Tuy nhiên nếu thừa vi lượng cây sẽ bị ngộ độc. Chính vì thế khi sử dụng vi lượng cho cây cần thận trọng không nên lạm dụng, phải thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật, lượng bón của nhà sản xuất đưa ra.

III.Ảnh hưởng của phân bón tới đất đai
Trong quá trình canh tác, đất bị mất đi một lượng dinh dưỡng rất lớn do bị tác động bởi các yếu tự nhiên: rửa trôi, nhiệt độ, xói mòn, thời tiết…đặc biệt một lượng lớn dinh dưỡng trong đất bị cây trồng lấy đi để phục vụ quá trình phát triển của cây.

Cách tốt nhất để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng là bón sử dụng các loại phân bón.

Phân bón cung cấp dinh dưỡng, chất hữu cơ, các vi sinh vật có lợi cho đất, cải tạo đất hiệu quả, tăng độ phì nhiêu của đất.

phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất đai

Phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất đai hiệu quả, phân bón hóa học thì ngược lại Nguồn:phunutoday.vn

Chẳng hạn phân bón vô cơ cung cấp các nguyên tố dinh dưỡng cho đất. Các loại phân bón hữu cơ cải tiến kết cấu đất, tăng lượng hữu cơ, vi sinh vật có ích cho đất.

Tuy nhiên nếu sử dụng phân bón vô cơ trong thời gian dài mà không bổ sung phân bón hữu cơ sẽ khiến đất bị thoái hóa, bạc màu, chai cứng.

Giữa cây trồng phân bón và đất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó đất là cầu nối quan trọng giữa cây trồng và phân bón, là nơi dự trữ và cung cấp chất dinh dưỡng từ phân bón cho cây trồng.

Để bón phân hợp lý, phát huy được hết vai trò của phân bón cần căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, đặc điểm đất đai ( độ phì nhiêu, pH, thành phần cơ giới đất..), khí hậu thời tiết, đặc điểm của từng loại phân bón, tập quán canh tác…..

IV.Nhu cầu các chất dinh dưỡng thiết yếu của cây trồng

Tùy thuộc vào vai trò chức năng của mỗi chất dinh dưỡng cũng như tùy thuộc vào loại cây trồng, giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây để xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây.

  • Vai trò và chức năng dinh dưỡng của cây.

Chẳng hạn các chất thuộc nhóm nguyên tố đa lượng là các chất mà cây trồng cần nhiều nhất trong quá trình tổng hợp các chất hữu cơ trong cây. Các chất khác như men, các chất điều hòa sinh trưởng, các chất xúc tác cho quá trình sinh lý trong cây thì cần số lượng ít hơn thì được xếp vào nhóm trung, vi lượng.

  • Loại cây

Các loại cây khác nhau có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ như cây lấy lá thì cần nhiều đạm; cây lấy hạt, củ thì cần nhiều kali; đối với các cây lấy bột, đường thì cần nhiều lân hơn so với các loại cây khác.

  • Giai đoạn sinh trưởng và phát triển

Trong suốt quá trình phát triển và sinh trưởng của cây trồng, tùy theo từng giai đoạn của cây mà nhu cầu dinh dưỡng của cây khác nhau. Chẳng hạn ở giai đoạn cây sinh trưởng mạnh, thân, lá phát trển thì nhu cầu về đạm của cây rất cao. Giai đoạn phân hóa mầm hoa cần nhiều lân. Giai đoạn hình thành quả và hạt cần nhiều kali.

Chính vì thế để các chất dinh dưỡng phát huy hiệu quả cao nhất cần bón phân một cách cân đối, đúng thời điểm, đúng thời kỳ phát triển của cây.

V.Nguyên tắc khi sử dụng phân bón

Để phân bón ( dù là phân vô cơ hay hữu cơ…) phát huy hiệu quả nhất công dụng nhà nông trước hết cần đảm bảo 4 nguyên tắc cơ bản: đúng loại phân, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

  1. Đúng loại phân bón, nhà nông cần căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng, từng loại thổ nhưỡng đề lựa chọn loại phân bón phù hợp. Chẳng hạn ở thời kỳ đầu phát triển cây trồng cần nhiều đạm, ở thời kỳ sinh trưởng có loài cần nhiều đạm, có loài cần nhiều kali. Phân bón có nhiều loại: phân vô cơ, phân hữu cơ, phân vi sinh, phân đơn, phân kép… tuy nhiên 3 nguyên tố chính đóng vai trò quan trọng đối vơi sự phát triển của cây trồng: N,P,K.

  2. Đúng lúc, quá trình phát triển của cây trồng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn cần  các chất dinh dưỡng khác nhau, cần chia ra nhiều lần bón để cây có thể hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất, tránh bón một lần lượng phân quá lớn khiến cây bị sốc, không hấp thụ được dinh dưỡng,  gây lãng phí, ô nhiễm môi trường…
     

    sử dụng phân bón đúng thời điểm

    Cần bón phân đúng thời điểm để giúp cây trồng phát triển cân đối  và khỏe mạnh                                                                Nguồn:luuich.vn

  3. Đúng liều lượng: để tránh lãng phí, tiết kiệm chi phí đầu tư, nhà nông không bón thiếu cũng không bón thừa, thông thường mỗi loại phân bón đều có hướng dẫn lượng bón cho từng loại câu trồng khác nhau, khi bón phân nhà nông cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, đặc biệt cần phải thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây trồng, đât, thời tiết để có thể điều chỉnh lượng phân bón phù hợp với từng loại cây, từng giai đoạn phát triển của cây.

  4. Đúng cách: Chẳng hạn đối với phân bón lót thì bà con cần tưới đủ nước, vùi phân sâu xuống đât, đối với phân hữu cơ phải đảm bảo ủ hoai mục, đối với các loại phân bón lá thì cần pha đúng liều lượng…

VI.Phương pháp bón phân đúng cách

Có hai phương pháp bón phân chính cho cây trồng: bón lót, bón thúc.
     Bón lót: là bón trước khi trồng, có thể bón trước khi làm đất hoặc bón lúc làm đất lần cuối. Mục đích của việc bón lót là cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng lúc mới ra rễ, khi cây vừa mới ra rễ đã có sẵn các chất dinh dưỡng cần giúp cây phát triển. Phân bón lót thường sử dụng là phân hữu cơ đã ủ hoai mục, kết hợp với N,P,K.
     Bón thúc: là bón trong thời  kỳ cây sinh trưởng. Khi bón thúc, bà con nên sử dụng các loại phân dễ hòa tan, chất dinh dưỡng ở dạng dễ hấp thụ, phân hữu cơ đã qua chế biến… Tiến hành rải đều trên mặt đất, rải theo hàng hoặc theo hố hoặc hòa tan, hoặc phun trên lá…có thể bón quanh gốc hoặc quanh tán cây. Khi bón cần tiến hành giữ ẩm hoặc cung cấp đủ nước cho cây.

Một số nguyên nhân khiến phân bón bị thất thoát:

  • Bị rửa trôi: Lượng phân bón bị rửa trôi phụ thuộc vào lượng mưa, kết cấu đất, địa hình, loại phân bón sử dụng. Trong trường hợp  lượng mưa lớn, cấu trúc đất không tốt, địa hình dốc không có lớp che phủ sẽ khiến lượng phân bón dễ bị rửa trôi.

  • Bị bốc hơi: Phân bón bị bốc hơi có thể do các phản ứng hóa học, vi sinh vật.. đặc biệt là đối với các loại phân bón phun trên lá.

  • Bị giữ chặt: phân bón khi bón vào đất có thể bị giữ chặt làm cây không thể hấp thụ được.

VII.Tác động của phân bón đối với môi trường

Phân bón ngoài những vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng, cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển cân đối, bền vững thì còn có những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.

  • Dư thừa phân bón trong đất. Do trong quá trình canh tác người nông dân sử dụng phân bón không đúng cách, bón quá nhiều phân, khiến cây trồng hấp thụ không hết. Trường hợp này thường xảy ra ở các loại phân bón vô cơ. Các chất độc có trong các loại phân bón sẽ theo nguồn nuóc thấm sâu vào đất, gây ô nhiễm đất, nguồn nước.

  • Ô nhiễm từ các nhà máy chế biến phân bón do công nghệ chế biến thô sơ, các chất thải ra môi trường không được xử lý đảm bảo gây nên mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước, đất, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người.

  • Chính từ việc bón lượng phân bón quá lớn đã khiến nông sản tồn dư các loại hóa chất trong nông sản, ảnh hưởng lớn đến giá trị, chất lượng nông sản, gây hại cho người sử dụng.

  • Một lượng lớn phân bón trong quá trình sử dụng bị nước rửa trôi,theo  nguồn nước gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Một phần không nhỏ phân bón bị bay hơi gây nên ô nhiễm không khí.

sử dụng phân bón hóa học làm đất đai chai cứng

Phân bón hóa học làm đất đai trở nên chai cứng, tác động xấu đến môi trường sống của cây trồng  Nguồn:saigonhoa.com

Phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bồi dưỡng độ phì nhiêu cho đất, đây là yếu tố quan trọng của một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Trong quá trình canh tác nông nghiệp, khi đầu tư phân bón bà con nhà nông không nên  so sánh 1kg phân này với 1kg phân kia, mà cần phải so sánh hiệu quả của loại phân bón đó mang lại cho kinh tế gia đình là gì.

Nếu đầu tư loại phân bó rẻ tiền nhưng hiệu quả mang lại không có, cây không cho năng suất, sâu bệnh hại nhiều, phát triển không cân đối…  thì chỉ khiến nhà nông lún sâu vào vòng nợ nần.

Diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng hạn hẹp trong khi đó dân số thế ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về lượng thực thực phẩm tăng. Để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của con người cần phải tăng cường thâm canh, tăng năng suất của cây trồng.

Một trong những giải pháp cốt lõi cho vấn đề này chính là sử dụng các loại phân bón hữu cơ phù hợp nhằm cung cấp dinh dưỡng cho đất, cây trồng.

Tài liệu tham khảo:Dinh dưỡng cây trồng và phân bón (Tác giả:Nguyễn Mạnh Hùng - Nguyễn Mạnh Chinh)

Đang Online: 32 | Tổng Truy Cập: 462350
CÔNG TY CỔ PHẦN GOOD FARMER VIỆT NAM
Go Top
0964 666 966